UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản 6664/UBND-VX3 ngày 17/9/2021 về việc thống nhất chủ trương đưa chuyên gia, người lao động vào tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ.
Thời gian gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhận được văn bản của một số cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong tỉnh và ngoài tỉnh đề nghị cho phép cán bộ, chuyên gia, công nhân, lái xe (chuyên gia, người lao động) vào tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ;
Xét đề xuất của Sở Y tế tại Văn bản số 2533/SYT-NVY và Văn bản số 2535/SYT-NVY ngày 11/9/2021; ý kiến thống nhất của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh tại cuộc họp giao ban ngày 16/9/2021,
Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1. Kể từ ngày 18/9/2021, thống nhất chủ trương cho các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đưa một số chuyên gia, người lao động vào tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiệm vụ, gồm:
a) Các chuyên gia, người lao động vào tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án, thực hiện hợp đồng kinh tế, nhận công tác mới (dự án, công trình, công việc có tính chất lâu dài).
b) Đoàn công tác thuộc các cơ quan Quân đội, Công an đến Lâm Đồng để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên hoặc đột xuất liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng.
c) Đoàn cán bộ y tế đến tỉnh Lâm Đồng công tác và hỗ trợ thực hiện công tác chống dịch (tiêm chủng vắc xin, lắp đặt, hiệu chỉnh trang, thiết bị y tế…).
d) Lái xe vào địa bàn tỉnh để đưa, đón chuyên gia, người lao động, sinh viên tốt nghiệp ra trường, sinh viên mới nhập học; đón người hoàn thành thời gian cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; chuyên chở các mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu, nguyên vật liệu,…) phục vụ nhu cầu dân sinh, sản xuất, kinh doanh.
2. Điều kiện các chuyên gia, người lao động nêu trên được vào tỉnh Lâm Đồng:
a) Đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng Covid-19 (tiêm mũi thứ 2 ít nhất 14 ngày khi vào tỉnh Lâm Đồng) và có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định.
b) Thực hiện việc đi lại đúng theo nguyên tắc “Một cung đường, hai điểm đến”; khi lưu thông phải có đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định của ngành, cơ quan chủ quản và của địa phương; khai báo y tế tại chốt kiểm dịch và không dừng đỗ tại bất cứ địa điểm nào khác trong quá trình di chuyển từ chốt kiểm dịch về nơi cách ly y tế.
c) Trong thời gian cư trú trên địa bàn tỉnh, phải tuân thủ nghiêm việc cách ly y tế và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
d) Chấp hành cách ly y tế có trả phí theo quy định.
3. Cơ quan, đơn vị đăng ký cho người ra, vào Lâm Đồng:
a) Cử chuyên gia, người lao động theo yêu cầu nêu tại mục 1, mục 2 văn bản này đến công tác, làm việc tại tỉnh Lâm Đồng ổn định cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế tối đa việc di chuyển chuyên gia, người lao động từ tỉnh khác đến tỉnh Lâm Đồng.
b) Bố trí đầy đủ các điều kiện về nơi ở, điều kiện làm việc; đồng thời, yêu cầu chuyên gia, người lao động không di chuyển ra bên ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết; trường hợp phải di chuyển, thì phải chấp hành nghiêm việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
c) Chịu sự theo dõi, giám sát của cơ quan y tế và chính quyền cơ sở về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
d) Cam kết và chịu trách nhiệm với chính quyền địa phương nếu để xảy ra dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
đ) Chịu trách nhiệm trả phí cách ly cho chuyên gia, người lao động trong thời gian cách ly tập trung; đồng thời, bố trí địa điểm cách ly sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung.
4. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan hướng dẫn cơ quan, đơn vị nêu trên về các điều kiện cần thiết để các đoàn công tác, chuyên gia, người lao động được phép vào địa bàn tỉnh; yêu cầu về phòng, chống dịch của tỉnh cần tuân thủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Câu chuyện khởi nghiệp “CHI LƯƠNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI”
Hỏi: Chi lương cho người nước ngoài khi chưa có giấy phép lao động có được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế không?
Đáp: Trường hợp doanh nghiệp có thuê lao động nước ngoài để thực hiện các công việc cho công ty tại Việt Nam nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động thì chưa đủ cơ sở tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ: Trường hợp Công ty A có thuê Ông B là người nước ngoài vào làm việc, Ông B chưa được cấp giấy phép lao động. Trong năm 2020, Công ty chi trả tiền lương cho Ông B số tiền là 600 triệu đồng, như vậy Công ty A có được đưa khoản chi phí lương này khi tính thuế không?
Theo công văn số 6351/CT-TTHT ngày 15/02/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội có hướng dẫn: “Trường hợp doanh nghiệp có thuê lao động nước ngoài để thực hiện các công việc tại Việt Nam nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động thì chưa có đủ cơ sở tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và chưa có đủ cơ sở khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với các khoản chi phí doanh nghiệp chi trả cho người lao động nêu trên”.
Như vậy, do Công ty A chi trả tiền lương cho Ông B là người nước ngoài, Ông B lại chưa được cấp giấy phép lao động theo quy định nên khoản chi lương này Công ty A không được đưa vào chi phí khi tính thuế TNDN.