Quy định máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế là giải pháp có tính khả thi cao, tăng thêm tính công khai, minh bạch, công bằng và bình đẳng với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, mô hình tổ chức kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên TBTCO, ông Nguyễn Văn Được – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, chính sách này xuất phát từ thực tiễn, nên được nghiên cứu, đề xuất khá lâu, nay được cụ thể hóa sẽ tăng thêm tính pháp lý cũng như tính khả thi cao.
PV: Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán lẻ… khi xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền phải được định dạng chuẩn, được kết nối với cơ quan thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng đây là một giải pháp quan trọng trong tổng thể các giải pháp nhằm chống thất thu thuế. Quy định này xuất phát từ thực tiễn, nên được nghiên cứu, đề xuất khá lâu, nay được pháp luật thuế cụ thể hóa sẽ tăng thêm tính pháp lý cũng như tính khả thi cao.
Điểm nhấn của dự thảo thông tư không phải chỉ dừng lại là sự kế thừa quy định của hóa đơn điện tử, mà nó có tính ưu biệt hơn khi bịt các lỗ hổng được cho là điểm đen trong công tác thu nộp thuế xưa nay.
Mọi giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đều phải lập hóa đơn dưới hình thức tương tự phiếu tính tiền, hoặc hóa đơn tính tiền được kết nối và gửi ngay cho cơ quan thuế để xác thực, sẽ hạn chế đáng kể các gian lận khi bán hàng, cung ứng dịch vụ không lập hóa đơn như trước đây.
Theo đó, đối tượng hướng tới của dự thảo là những lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm, có nhiều điều kiện gian lận, trốn thuế khi bán hàng, cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân không có nhu cầu sử dụng hóa đơn.
Quy định này yêu cầu mọi giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đều phải lập hóa đơn dưới hình thức tương tự phiếu tính tiền, hoặc hóa đơn tính tiền được kết nối và gửi ngay cho cơ quan thuế để xác thực, sẽ hạn chế đáng kể các gian lận khi bán hàng, cung ứng dịch vụ không lập hóa đơn như trước đây.
Mặt khác, quy định này cũng tăng thêm tính công khai, minh bạch, công bằng và bình đẳng với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, mô hình tổ chức kinh doanh.
Đồng thời nó cũng tạo thuận tiện cho người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn đầu vào là phiếu tính tiền được in từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế cho các mục đích kê khai tính thuế, cũng như nhu cầu cá nhân khác.
PV: Việc kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế đã được Tổng cục Thuế đề cập từ lâu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, Tổng cục Thuế sẽ triển khai thí điểm tại môt số cục thuế trước khi áp dụng rộng rãi. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của giải pháp này trong bối cảnh hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Được: Như tôi đã nói trên, quy định này xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Sau một thời gian dài được Tổng cục Thuế nghiên cứu, đến nay đã hội tụ đủ các yếu tố để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trước khi áp dụng rộng rãi, cần được thí điểm tại một số địa phương. Điều này là cần thiết, vì trong quá trình triển khai sẽ phát sinh những vấn đề liên quan, như: chi phí đầu tư hệ thống, hạ tầng, máy móc thiết bị, phần mềm của chính người nộp thuế, cũng như cơ quan thuế.
Mặt khác, đối với những tổ chức đang thực hiện hóa đơn điện tử, nay lại thực hiện chính sách máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế có thể không tương thích giữa phần mềm kế toán, phần mềm máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.
Vì vậy, cần thực hiện thí điểm tại những địa phương có điều kiện hạ tầng công nghệ tốt, cũng như trình độ áp dụng công nghệ thông tin tốt để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất trước khi thực hiện đại trà.
PV: Có ý kiến cho rằng, ngay cả khi người nộp thuế kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế, thì họ vẫn có thể lách thuế, ví dụ như họ không vào máy, không xuất hóa đơn chẳng hạn. Theo ông, làm thế nào để kiểm soát được doanh thu bán hàng của người nộp thuế?
Ông Nguyễn Văn Được: Chúng ta phải nhận thức rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử hay máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế chỉ là giải pháp nhằm hạn chế gian lận và trốn thuế. Bởi lẽ, dù công nghệ có hiện đại đến đâu và chính sách thuế có hoàn thiện đến mức nào, nhưng vẫn do con người quyết định.
Do đó, chúng ta phải chấp nhận cơ chế này sau khi đã áp dụng đầy đủ mọi biện pháp cần thiết. Để tăng thêm hiệu quả và tính khả thi của chính sách này, cũng như mục tiêu chống thất thu thuế, thì cần ban hành các quy định này thật khoa học, rõ ràng và phù hợp với đặc thù của đối tượng điều chỉnh, bên cạnh những chế tài xử phạt nghiêm minh.
Đồng thời, ngành Thuế cần thay đổi phương thức quản lý thuế thông qua dữ liệu lớn nhằm sớm phát hiện những dấu hiệu gian lận trốn thuế để tăng cường thanh, kiểm tra, từ đó giảm chi phí thu thuế và tăng hiệu quả hiệu lực của công tác thu nộp thuế.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích chính sách người dân, người tiêu dùng trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Theo đó, cần có các chính sách khuyến khích sử dụng hóa đơn đầu vào được trừ vào các khoản tính thuế thu nhập cá nhân, hoặc chi phí kinh doanh, đẩy mạnh công tác khen thưởng khi phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm về thuế.
Đặc biệt, có thể sử dụng chính sách “hóa đơn xổ số trúng thưởng” khi mua hàng hóa, dịch vụ đối với người mua hàng… Điều này sẽ góp phần khuyến khích người tiêu dùng tham gia giám sát quá trình thu nộp thuế khi yêu cầu được nhận hóa đơn đầu vào theo quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phươngĐể chống thất thu thuế hiệu quả, ngành Thuế cần xây dựng cơ chế phối hợp, trong đó đề cập rõ sự tham gia, hỗ trợ từ các cơ quan khác đến đâu, tham gia ở mức độ như thế nào và các yêu cầu cụ thể ra sao? Từ đó, các cơ quan có liên quan có trách nhiệm tích cực hỗ trợ và tham gia cùng với ngành Thuế trong việc quản lý và thu thuế.
Trong trường hợp này, ngành Thuế không chỉ phối hợp với các cơ quan chủ quản như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính… và rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương như hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc, UBND các cấp, hội đồng tư vấn thuế xã phường và đặc biệt là đội thuế, xã phường tham gia kiểm tra, giám sát thường xuyên và trực tiếp. |