Khởi công bảo tồn công trình lịch sử “18 Thôn Vườn Trầu”

Sáng 9h00 ngày 18/3/2024, Đảng ủy UBND xã Thới Tam Thôn phối hợp cùng CLB Khởi Nghiệp Mộc tổ chức Lễ khởi công bảo tồn công trình lịch sử Đài Liệt sĩ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM.

Ông Nguyễn Toàn Nam Bí thư Đảng ủy, UBND xã Thới Tam Thôn cùng tập thể Phòng khám y học cổ truyền Tâm Đức, CLB Khởi Nghiệp Mộc tổ chức nghi thức lễ khởi công

Quê hương “Mười tám thôn vườn trầu” – Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh – Nguyễn phân tranh nên đã rời bỏ quê hương đến vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp. Người nông dân đã lập ra những thôn – ấp, từ 6 thôn đầu tiên dần dần được phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, “Mười tám thôn vườn trầu” đã là nơi dân cư trù mật và là nơi chuyên canh trồng trầu cau nên có tên gọi chung là “Mười tám thôn vườn trầu”.

Địa giới của “Mười tám thôn vườn trầu” bao gồm huyện Hóc Môn, Quận 12 và một phần đất của huyện Củ Chi ngày nay (thôn Tân Phú – nay thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). Trung tâm của “Mười tám thôn vườn trầu” là các thôn Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân), Tân Thới Tam (nay thuộc xã Thới Tam Thôn). Riêng thôn Tân Thới Nhứt (nay là xã Bà Điểm) là một trong 6 thôn đầu tiên của “Mười tám thôn vườn trầu”. Thời Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà bà lão tên “Điểm” nên thôn Tân Thới Nhứt còn có địa danh là Bà Điểm. Đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên trong dân gian địa danh Hóc Môn có tên gọi từ đây (hóc hẻm có nhiều cây môn).

Ông Nguyễn Thành Nhân và bà Phan Thị Xuân (cán bộ hưu trí) đồng hành CLB Khởi Nghiệp Mộc hiện thực hóa công trình lịch sử

Theo Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Công ty Cổ Phần Xây Lắp 1 đồng hành chia sẻ: “18 Thôn Vườn Trầu là quê nội, nên Tôi nhận thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, mong muốn thế hệ trẻ hãy luôn ghi nhớ và phát huy truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Tất cả chúng ta không mang theo được gì khi về cõi vĩnh hằng, chỉ mang theo những gì chúng ta làm được giúp ít cho đời, cho xã hội, cho quê hương, đặc biệt là nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Công trình dự kiến khánh thành trước ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh vì hòa bình và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho thế hệ chúng ta ngày nay, biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn KNM (Hồng Thu – Công Trình)